Tại sao học cao học?

PHD comics
PHD comics

Việc giáo dục và đào tạo cho đến bậc cử nhân có bản chất là học, trong đó việc học ở bậc phổ thông nhằm để có các tri thức cơ bản cần cho cuộc sống và hoạt động của mỗi người, còn việc học ở bậc cử nhân (undergraduate) nhằm để có các tri thức chung về một nghề nghiệp hay lĩnh vực nào đó (thí dụ nghề y, chế tạo máy, quản trị kinh doanh, …). Do phải học nhiều môn, chương trình đào tạo bậc cử nhân chưa cho phép người học có các tri thức chuyên sâu.

Đào tạo sau đại học (graduate) khác cơ bản với đào tạo cử nhân ở việc đi sâu vào chuyên ngành, gồm hai bậc thạc sĩ và tiến sĩ, trong đó bản chất của đào tạo thạc sĩ là học còn bản chất của đào tạo tiến sĩ là nghiên cứu. Đáng tiếc là điều cơ bản này đã không luôn được hiểu rõ và làm đúng ở đại học của chúng ta.

Đào tạo thạc sĩ

Khái niệm thạc sĩ và việc đào tạo thạc sĩ là tương đối mới trong hệ thống đại học của ta. Hệ thống giáo dục ở Đông Âu trước kia không có hình thức đào tạo này, và do vậy có thể một số lãnh đạo và cơ sở giáo dục của ta còn thiếu kinh nghiệm nên các chương trình đào tạo thạc sĩ được xây dựng chưa thích hợp. Mục tiêu của việc học thạc sĩ là để người học nắm vững và sâu (lý tưởng là đến mức tinh thông, như nghĩa của chữ “master” hay “étude approfondie” trong tiếng Pháp) các tri thức của một chuyên ngành trong một nghề hoặc lĩnh vực nào đấy. Như vậy, chẳng hạn nói một người học thạc sĩ về tin học chỉ là cách nói chung để chỉ bậc học, còn thực sự người này thường chỉ có thể học sâu được một chuyên ngành nào đó của nghề tin học, thí dụ như về mạng máy tính hay công nghệ phần mềm hay trí tuệ nhân tạo, … sau khi học một số kiến thức chung nhất của nghề.

Với mục đích kể trên, tuy có một vài biến dạng, chương trình đào tạo thạc sĩ phổ biến trên thế giới thường gồm hai năm học, trong đó năm đầu chủ yếu để người học học một số môn chung của nghề và các môn cần thiết cho chuyên ngành mình lựa chọn (khoảng 10 môn tất cả), và năm thứ hai để người học đi sâu vào chuyên ngành này dưới sự hướng dẫn của một hoặc một nhóm giáo viên. Đào tạo thạc sĩ đòi hỏi phải dạy và học theo tín chỉ vì mỗi người học có những nhu cầu và cần bổ sung những tri thức khác nhau. Chương trình thạc sĩ của một đại học do vậy thường chỉ rõ các chuyên ngành mình có thể đào tạo kèm theo nội dung cụ thể. Chuyên ngành học và thầy hướng dẫn của sinh viên thạc sĩ thường được sớm xác định sau vài tháng đầu của  năm thứ nhất.

Việc học trong năm thứ hai là một quá trình tự học và rèn tay nghề dưới sự hướng dẫn của thầy và thường gồm hai việc chính: (1) tự học để nắm được nội dung một cuốn sách “gối đầu giường” của chuyên ngành cũng như tham gia các hoạt động và rèn luyện của phòng thí nghiệm, và (2) thực hiện một đề tài.

Chủ đề và yêu cầu của đề tài thạc sĩ thường được xác định tùy theo việc người học có đi tiếp vào chương trình tiến sĩ hay không, tức có theo đuổi con đường nghiên cứu hay không. Nếu đi tiếp, đề tài thường được hướng đến việc học và rèn luyện các khả năng nghiên cứu và thường là phần đầu của một chặng đường dài vài năm nghiên cứu trong chương trình đào tạo tiến sĩ. Tuy nhiên, đa số người học xong thạc sĩ sẽ ra làm việc và đề tài của họ được hướng nhiều hơn vào việc tự học và rèn luyện để nắm chắc tri thức của chuyên ngành và khả năng/kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tế. Tuy đi sâu vào một chuyên ngành, do sự thay đổi rất nhanh của xã hội và khoa học-công nghệ, việc rèn luyện khả năng tự học trong đào tạo thạc sĩ là một yêu cầu lớn.

Đặc trưng nổi bật của đa số chương trình và cách đào tạo thạc sĩ của ta là việc yêu cầu sinh viên học rất nhiều môn, nhưng nhẹ về phần tự học và rèn luyện tay nghề dưới sự hướng dẫn thường xuyên của thầy cô thông qua các hoạt động trong phòng thí nghiệm và làm đề án. Rất nhiều chương trình thạc sĩ của ta dựa chính trên việc dạy/học rất nhiều môn (khoảng 20), học chung cho mọi sinh viên trong phần lớn thời gian đào tạo, tuy có nơi cho mỗi môn vài tín chỉ nhưng thực chất chưa phải cách đào tạo theo tín chỉ. Nguyên nhân có thể do ta chưa thống nhất được bản chất và mục tiêu của đào tạo thạc sĩ, do chưa có chỗ cho thầy và trò ngồi làm việc cùng nhau hàng ngày, do chưa đủ phòng thí nghiệm, do không đủ thầy cô để hướng dẫn sinh viên, …  Hầu hết học viên thạc sĩ tôi gặp đều lo lắng ở buổi bảo vệ luận văn về câu hỏi bao-giờ-cũng-có “cái gì mới trong luận văn của anh/chị?” hoặc “thế giới người ta làm rồi sao mình làm lại?”. Có những câu hỏi thường xuyên như vậy phải chăng cũng vì chúng ta nhìn chưa hợp l‎ý về bản chất và mục tiêu của đào tạo thạc sĩ?

Phải làm nhiều việc để nâng chất lượng đào tạo thạc sĩ, trong đó theo tôi hai việc sau rất then chốt:

  1. Các cơ quan quản lý và cơ sở đào tạo cần xác định lại các khái niệm và mục tiêu của đào tạo thạc sĩ, xây dựng hoặc điều chỉnh chương trình và cách đào tạo. Cần điều chỉnh chương trình với các nội dung cần thiết nhất của chuyên ngành, giảm việc học trên lớp và tăng thêm phần rèn luyện, đào tạo tay nghề của học viên, …
  2. Phải tìm cách để giải quyết bài toán có sách học cho sinh viên. Ta mới làm sách giáo khoa cho bậc phổ thông, nhưng rất thiếu sách bậc đại học và sau đại học. Thông thường người dạy dùng một cuốn sách giáo khoa (textbook) nào đấy, nhưng sinh viên lại không có (ở nơi khác khi học mỗi môn sinh viên bắt buộc phải mua sách giáo khoa thầy cô đã chọn để dạy môn đó, và cuốn sách thầy chọn rất ảnh hưởng đến việc dạy và học). Theo tôi đây là một vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ (và cả bậc cử nhân). Việc này quan trọng hơn rất nhiều việc ta chủ trương đạt chuẩn quốc tế bằng cách lấy các bài giảng online hoặc các bản chiếu (slides) trên Web để dạy học, vì không có sách thì không mấy ai hiểu được thấu đáo các bài giảng này. Sách và tài liệu tham khảo sẽ quyết định cách giảng bài của thầy cô và chất lượng tự học của sinh viên (đọc chép hay chỉ giảng ý chính và sinh viên phải tự tìm hiểu và làm bài tập). Tiêu chuẩn phải viết sách khi xét phong chức danh giáo sư của ta không giải quyết bài toán này, ngược lại tiềm ẩn khả năng ra đời của những cuốn sách chất lượng không cao. Xin được bàn về giải pháp sách học trong một dịp khác.

Đào tạo tiến sĩ

Mục tiêu của đào tạo tiến sĩ là nhằm rèn luyện khả năng nghiên cứu cho nghiên cứu sinh, qua việc thực hiện một đề tài để giải quyết một vấn đề mới và có ý nghĩa của trong chuyên ngành của mình. Người tốt nghiệp tiến sĩ là người phải biết làm nghiên cứu độc lập, tức biết đặt ra những vấn đề nghiên cứu có ý nghĩa, biết cách và tìm được lời giải, biết cách viết các bài báo khoa học và trình bày kết quả trước cộng đồng nghiên cứu quốc tế.

Tôi chỉ bàn ở đây một chuyện liên quan đến đào tạo tiến sĩ là ấn phẩm khoa học.

Về các ấn phẩm khoa học của nghiên cứu sinh, gần đây đã có các dự kiến về quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “để được công nhận là tiến sĩ, các nghiên cứu sinh cũng phải có ít nhất một bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài, một bài đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín trong nước do cơ sở đào tạo quy định …”(9). Đây là một quy định quan trọng để tiêu chuẩn hóa chất lượng, đặc biệt là quy định về sự bắt buộc có bài đăng ở các tạp chí và hội nghị quốc tế. Phần phụ lục sẽ bàn thêm về hội nghị quốc tế, phần này chỉ nói về các tạp chí quốc tế.

Các tạp chí quốc tế của từng lĩnh vực là thước đo những kết quả nghiên cứu khoa học thuộc loại “hàng chất lượng cao”, và thứ hạng của các tạp chí trong mỗi ngành khoa học là rất khác nhau. Theo một khảo sát của Phạm Duy Hiển(10), ước tính tất cả thầy trò và các nhà nghiên cứu của chúng ta trong 10 năm qua (1995-2004) đăng được 3236 bài báo trên các tạp chí quốc tế xếp trong danh sách của ISI trong đó chừng 800 bài hoàn toàn làm tại Việt Nam, tức khoảng 80 bài một năm. Giả sử mỗi bài báo trong các con số kể trên đều có ít nhất một trong số 5279 giáo sư, phó giáo sư của cả nước vào năm 2004(11) là tác giả hay đồng tác giả, thì tính trung bình mỗi giáo sư, phó giáo sư trong 10 năm đó làm được hơn 1/2 bài ở tạp chí quốc tế (tức một bài trong gần 20 năm), và/hoặc khoảng 1/6 bài hoàn toàn làm trong nước. Những con số này quả là hết sức khiêm tốn so với lực lượng khoa học đông đảo của ta. Điều này nói lên ít nhất một điều, hoặc các nhà khoa học của ta chưa có thói quen viết và gửi bài đến các tạp chí quốc tế, hoặc chất lượng nghiên cứu của chúng ta chưa cao nên các kết quả chưa lọt được vào các tạp chí quốc tế. Trong điều kiện và tình hình nghiên cứu khoa học này, làm sao để các nghiên cứu sinh của chúng ta – với số lượng khoảng 1000 người được nhận vào mỗi năm(12)– có bài đăng ở tạp chí quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thật sự là một thách thức rất lớn, theo tôi là một việc chưa có cách gì làm được.

“Hội nghị khoa học quốc tế” là một cụm từ lâu nay dễ gây nhầm lẫn vì chúng rất thượng vàng hạ cám, từ những hội nghị chất lượng rất cao mà mỗi bài được nhận đều là công bố của một khám phá quan trọng cho đến những hội nghị ai muốn gửi bài gì cũng được nhận miễn là nộp đủ hội nghị phí (xem phụ lục 1). Do vậy, câu “hoặc có bài ở hội nghị khoa học chuyên ngành nước ngoài” thực sự chưa xác định. Ngoài ra, chữ “hoặc” trong câu “bài đăng trên tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu của hội nghị” cần được đổi thành chữ “và”. Cần khẳng định ngay ta chỉ chấp nhận kết quả nghiên cứu đăng ở các hội nghị quốc tế có chất lượng, và các hội nghị này cần do các chuyên gia trong ngành xác định.

Tôi có ít kinh nghiệm và thực tế về các tạp chí khoa học xuất bản trong nước, nhưng từ quan sát và theo nhận xét của nhiều đồng nghiệp, chỉ một số rất ít tạp chí của ta, như tạp chí Toán học, tạp chí Cơ học, … có chất lượng tốt, còn đa số rất đáng băn khoăn. Việc chỉ chấp nhận các bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước theo tôi là rất cần thiết.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tiến sĩ?

Dường như nét nổi bật của đào tạo tiến sĩ ở ta cho đến nay là một phần, có thể là phần rất lớn, người đã tốt nghiệp tiến sĩ chưa được rèn luyện và làm nghiên cứu khoa học để đạt các kết quả nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế thông thường. Chúng ta phải làm nhiều việc để có thể nâng chất lượng đào tạo tiến sĩ, trong đó có những điều sau:

  1. Trước hết, cần xác định rõ về bản chất, mục tiêu và yêu cầu của đào tạo tiến sĩ.
  2. Tuyển chọn chặt chẽ để chỉ đào tạo tiến sĩ cho những người có động lực và khả năng nghiên cứu. Khi được chọn những người này phải được tạo điều kiện để có thể phấn đấu vươn đến chuẩn mực quốc tế (như phải có bài ở các hội nghị quốc tế tốt và được cấp ít nhất một lần kinh phí trong thời gian đào tạo để đi dự hội nghị quốc tế).
  3. Cần có các điều kiện và quy định  thích hợp để chọn người hướng dẫn nghiên cứu sinh, không bởi bằng cấp khoa học và chức vụ lãnh đạo mà nhất thiết phải bởi kết quả nghiên cứu khoa học hiện tại, bởi kết quả đã có trong việc hướng dẫn nghiên cứu sinh vươn đến chuẩn mực quốc tế. Nếu người hướng dẫn chưa bao giờ công bố ở tạp chí quốc tế sẽ rất khó dẫn dắt nghiên cứu sinh làm được điều này.
  4. Để tránh nể nang và tiêu cực khi cho tốt nghiệp những luận án chưa đạt, dự kiến công khai các luận án và đánh giá là một việc khả thi và sẽ có tác dụng tốt. Tuy nhiên, việc đưa lên mạng các luận án đã bảo vệ chỉ là phần sau của việc đào tạo. Quan trọng hơn, cần phải tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn về chất lượng của các luận án tiến sĩ, như tiêu chuẩn dự định ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có thể tham khảo và học tập một kinh nghiệm từ Trung Quốc. Gần đây phần lớn các trường đại học ở Trung Quốc quy định yêu cầu tối thiểu của một luận án tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ là hai bài báo trong các tạp chí hay hội nghị khoa học được xếp loại trong SCI (science citation index) hoặc EI (engeneering index). Một giáo viên đại học Trung quốc nói với tôi là Trung Quốc có hàng nghìn tạp chí khoa học nhưng chỉ một vài chục được xếp loại trong SCI hay EI. Nghiên cứu sinh cứ việc theo các điều kiện cần này mà phấn đấu, chưa đủ thì chưa bảo vệ, và khi bảo vệ cũng tránh được sự nể nang và xuê xoa của những người đánh giá.

  1. Tìm cách nâng cao chất lượng của các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước, mỗi lĩnh vực cần có một tạp chí cấp quốc gia được xác nhận về chất lượng, phổ biến rộng rãi và sử dụng ở các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.

Có thể thấy rõ là chất lượng chung của đào tạo tiến sĩ của ta còn thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Với toàn bộ năng lực đào tạo hiện nay, liệu chúng ta có thể đào tạo “nhanh, rẻ” mà lại “tốt” (theo yêu cầu đã quy định) cho “nhiều” tiến sĩ (khoảng 10 nghìn đào tạo trong nước của kế hoạch 20 nghìn tiến sĩ) trong mười năm tới (xem phụ lục 2)? Rõ ràng là không thể, và ta cần dứt khoát lấy chất lượng của đào tạo tiến sĩ làm trọng. Khoa học và nghiên cứu khoa học có những quy luật của mà ta không thể quyết tâm một cách duy ý chí. Hậu quả của việc cho ra lò những tiến sĩ chất lượng thấp là khôn lường. Những tiến sĩ có chức có quyền nhưng chuyên môn yếu sẽ có nhiều khả năng là mầm mống của điều xấu. Chúng ta sẽ phải trả giá lâu dài nếu tiếp tục đào tạo tiến sĩ chất lượng thấp như hiện nay hoặc quá nhấn mạnh về số lượng để có nguy cơ chất lượng ngày càng thấp hơn.

Nếu ngắn gọn về cái chưa được trong đào tạo sau đại học và nghiên cứu của ta, thì chương trình đào tạo thạc sĩ lên lớp nhiều quá, còn thiếu rèn luyện tay nghề và hay đòi hỏi có cái mới của việc nghiên cứu, trong khi đó đào tạo tiến sĩ để làm nghiên cứu thì nói chung lại không làm ra cái mới có nhiều giá trị. Một điều chưa phải là số đông người lớn của ta trong khoa học không thách thức các đỉnh cao của nghiên cứu nhưng ta lại đề cao và tự hào quá mức về các cuộc thi olympiad của trẻ em. Phải chăng đây cũng là một dạng của “tuổi thọ khoa học ngắn”.

Hiểu rõ bản chất và có quan niệm xác đáng, có chương trình thích hợp và đề cao chất lượng, đặt ra và tuân thủ các yêu cầu tốt nghiệp là những yếu tố quyết định của việc nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của chúng ta.

— Hồ Tú Bảo
Japan Advanced Institute of Science and Technology

Advertisement

Một suy nghĩ 4 thoughts on “Tại sao học cao học?

    1. Anh nghĩ cách dễ nhất là được thầy hướng dẫn của em giới thiệu vào một trường ĐH nào đó. Hoặc em thử tìm hiểu website trên trường của em, PĐT sau đại học để tìm kiếm thông tin nhé. Hiện nay, các học bổng thường dễ xin là bên Hàn hoặc bên Nhật, Châu Âu, bên Mĩ thì anh có biết chương trình VEF (Vietnam Education Foundation) nhưng yêu cầu cao hơn.
      Em cũng cần chuẩn bị một số bằng cấp liên quan: TOEFL, IELTS, SAT, GRE, bảng điểm chuyển đổi môn học, các chương trình thiện nguyện … tuỳ trường ĐH họ yêu cầu.

      Đã thích bởi 1 người

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s